Học Bác về ý chí tự lực, tự cường
Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, từ nhỏ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được hun đúc một nhân cách lớn, một lý tưởng sống kiên trung, luôn đau đáu trước nỗi nhục mất nước, trước cảnh đồng bào lầm than, đói khổ. Người thanh niên ấy gánh trên trọng trách cả giang sơn.
Năm 1911, khi vừa tròn 21 tuổi, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã vào miền Nam, quyết định rời bến cảng Nhà Rồng, để bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân thoát khỏi ách nô lệ của chế độ thực dân. Khác với những người yêu nước đương thời, nơi Người đặt chân đến đầu tiên trong hành trình của mình chính là nước Pháp. Người muốn tận mắt chứng kiến kẻ thù của dân tộc mình mạnh yếu thế nào. Nơi là lúc nào cũng xưng danh “tự do- bình đẳng- bác ái” nhưng lại đi xâm chiếm nước khác.
Chuyến đi lịch sử ấy đã trải dài 30 năm. Và có hơn 30 quốc gia của 3 đại dương, 4 châu lục đã ghi lại dấu chân Người. Trong hành trình ấy, Người đã thay đổi tên rất nhiều lần và trải qua hàng chục nghề khác nhau để sinh sống: khuân vác, khâu vá, quét tuyết, xúc than, bồi bàn, rửa ảnh, vẽ đồ cổ… Bao khó khăn cùng cực của cuộc sống, Người đều nếm trải qua. Hai lần bị đế quốc bắt giam, xiềng xích, đày ải vô cùng khắc nghiệt qua 18 nhà tù. Thậm chí chúng còn kết án tử hình vắng mặt đối với Người.
Một con người bình thường, nếu không có một ý chí kiên trung, tinh thần sắt đá, lòng quyết tâm đấu tranh không ngừng nghỉ vì dân, vì nước như Bác Hồ của chúng ta thì chắc chắn khó vượt qua nổi. Bởi lẽ, tôn chỉ, mục đích mà cả cuộc đời Bác luôn đeo đuổi không gì khác hơn, mà chính là: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.
Đó là khát vọng cháy bỏng mà Người đã theo đuổi cả cuộc đời. Trong hành trình tìm đường cứu nước, Người biết đến thắng lợi của cách mạng Mỹ 1776, Ðại cách mạng Pháp 1789, nhưng Người coi đó là những cuộc cách mạng thành công chưa đến nơi. Ngưỡng mộ Lê-nin và cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga 1917, hoàn toàn tin theo Lê-nin và Quốc tế thứ ba, nhưng Người nhận thức đó là cách mạng vô sản. Với ý chí tự lực, tự cường, Người cho rằng cách mạng Việt Nam không thể là cách mạng vô sản kiểu Nga mà phải là cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản. Tức là, trước hết phải giành độc lập dân tộc rồi đi tới chủ nghĩa xã hội. Cuộc cách mạng đó muốn thành công phải nhờ Quốc tế cộng sản và sự ủng hộ của nhân dân thế giới, nhưng muốn người ta giúp cho mình thì trước hết mình phải tự cứu mình đã.
Từ đó trở đi, Người coi chủ nghĩa Mác- Lê-nin là kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Bằng sự hoạt động tích cực của mình, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chủ động sáng tạo trong việc thành lập Ðảng cộng sản ở Việt Nam-Đảng của giai cấp công nhân, đồng thời là Đảng của dân tộc Việt Nam; thành lập Mặt trận Việt Minh, huy động sức mạnh toàn dân tộc đứng dậy làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Một Ðảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; đó là một thắng lợi xưa nay chưa từng thấy. Thắng lợi ấy là nhờ ý chí tự lực, tự cường và lòng khát khao độc lập tự do của dân tộc mà Hồ Chí Minh là biểu tượng sáng ngời.
Từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, cùng với Ðảng ta lãnh đạo kháng chiến kiến quốc, Hồ Chí Minh tiếp tục thể hiện ý chí tự lực, tự cường chống các đế quốc xâm lược theo tinh thần "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ"; "Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song Nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do"; "Ðến ngày thắng lợi, Nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!". Tinh thần đó trở thành phương châm hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Với quyết tâm “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa”, quân và dân ta đã làm nên cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phong hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Học Bác lòng trong sáng hơn
Đất nước đã trải qua 47 mùa xuân độc lập thống nhất. Giá trị của hòa bình hôm nay là không thể đong đếm được. Vì đó là máu của thế hệ cha anh chúng ta đã đổ xuống. Là công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng ta không thể và không được phép quên quá khứ.
Chính vì vậy, Người đã đi xa, nhưng hành trình cứu nước của Người, tư tưởng, đạo đức của Người mãi mãi là viên ngọc sáng để bao thế hệ học tập và làm theo. Nhất là về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đây cũng chủ đề của Đại hội XIII của Đảng, cũng là yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay và trong tương lai. Ðặc biệt trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, chúng ta đang đối mặt với những thách thức trong nước và trên thế giới.
Muốn thực hiện được khát vọng phát triển đất nước. Cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Học Bác phải thực chất, gắn kết chặt chẽ giữa học và làm, vừa học vừa làm, trong học có làm, trong làm có học, học nữa, học mãi, học suốt đời, lấy hiệu quả công việc làm thước đo. Xây phải đi với chống. Xây lớn nhất chính là đức chí công vô tư; Chống quan trọng nhất là chủ nghĩa cá nhân.Phải làm theo gương Bác về việc nêu gương.Ở vị trí càng cao thì tinh thần nêu gương càng phải cao, phải nói đi đôi với làm. Và làm có hiệu quả. Bởi theo Người: một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền.
Công cuộc xây dựng đất nước là một hành trình bền bỉ, đầy gian khổ. Và hành trình đó rất cần sự chung sức, chung lòng của mỗi cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện. Mỗi người, tùy theo vị trí, công việc của mình để cùng góp một phần công sức. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, tự soi, tự sửa mình, tận tâm, tận lực trong mọi việc lớn, việc nhỏ, không nghĩ đến danh lợi. Thì đó cũng là cách để học và làm theo Bác. Đó cũng là cách để đóng góp một phần công sức để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc mà Đảng ta, Bác Hồ đã ngàn công xây dựng./.