Bằng rất nhiều thủ đoạn, chiêu trò, các thế lực thù địch, chống phá liên tục đưa ra các câu hỏi, giả thiết về Bác, về con đường cứu nước của Bác: Bác họ gì? Có phải người Việt Nam không? Hoạt động có thật sự vì cách mạng Việt Nam không? Tại sao trong quá trình hoạt động lại dùng nhiều tên nước ngoài đến thế? Bịa đặt đời tư cá nhân... Chúng chắp vá thông tin nhằm gây nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang trong Nhân dân. Mục đích là chúng tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta, phủ nhận giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh; tấn công vào lòng tin của Nhân dân, vào sự lãnh đạo của Đảng và chế độ CNXH mà Bác Hồ, Đảng ta và Nhân dân ta đã lựa chọn.
Trở lại quá khứ, với những mốc lịch sử ghi dấu hoạt động cách mạng của Người để minh chứng sự thật về cuộc đời cách mạng vĩ đại mà Người đã dấn thân vì độc lập cho Tổ quốc, vì tự do cho đồng bào.
Năm 1858, thực dân Pháp chính thức nổ súng xâm lược nước ta, Nhân dân Việt Nam sống dưới ách thống trị, áp bức của đế quốc, phong kiến ngày càng cơ cực, nhiều cuộc đấu tranh đã nổ ra. Nhưng lần lượt bị thất bại vì thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức vững mạnh, thiếu lực lượng tiên phong. Đất nước yêu cầu khẩn thiết về con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp.
Với ý chí và quyết tâm của một người dân mất nước, sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, Nguyễn Tất Thành đã quyết định xin làm thuê trên tàu Amiran Latusơ Tơrêvin, rời Tổ quốc ngày 5/6/1911 để bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Người luôn đau đáu câu hỏi và tự tìm lấy câu trả lời trong hành trình của mình. Cứu nước, cứu dân bằng con đường nào? Phải bắt đầu bằng từ thực thực tiễn, từ việc xem xét, quan sát thật nhiều, tìm ra lý luận cách mạng đúng để có hành động cách mạng đúng.
Dù rất khâm phục lòng yêu nước của những người đi trước. Nhưng Nguyễn Tất Thành quyết định không sang phương Đông, không nhờ cậy vào Trung Quốc hay Nhật Bản, mà muốn làm quen với văn minh Pháp, muốn xem những gì ẩn giấu đằng sau những mỹ từ “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” của cách mạng Pháp. Từ xuất phát điểm này, từ sự vượt lên chính mình đã quyết định sự lựa chọn, con đường đi sau đó của Người- mở đầu một chặng đường dài xa Tổ quốc.
Để xuyên tạc động cơ Hồ Chí Minh sang phương Tây năm 1911, họ bám vào cứ liệu mấu chốt là Đơn xin vào Trường thuộc địa mà Người gửi cho Tổng thống và Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp ngày 15/9/1911. Họ vin vào đó rồi lập luận miễn cưỡng, xuyên tạc vô lối, cho rằng Hồ Chí Minh tìm cơ hội sang Pháp, học tập ở Phápvới giấc mộng làm quan cho thực dân Pháp. Và khi bị quan chức Pháp từ chối thì bất đắc phiêu lưu kiếm sống, không có thời giờ suy nghĩ chuyện đất nước. Đến Liên Xô học tập là hy vọng có việc làm kiếm lương hằng tháng, chứ không phải vì cách mạng Việt Nam.
Những luận điệu trên của chúng là vô căn cứ, hoàn toàn bịa đặt. Sự thật đã chứng minh, trong suốt hành trình 30 năm xa Tổ quốc, Người đã đi qua 4 Châu lục, với gần 40 nước, trải qua những tháng ngày lao động vất vả, bằng nghề làm phụ bếp trên tàu; thợ chụp ảnh, làm người cào tuyết cho trường học, bồi bàn trong khách sạn ở nước Anh; học tập, nghiên cứu ở nước Nga; hoạt động ở Trung Quốc... rồi bị bắt, tù đày. Nếu không vì đất nước, không vì động cơ cứu Nhân dân thoát khỏi ách nô lệ, tại sao Người lại chọn con đường đầy gian nan,phải sống khổ cực, chịu tù đày? Trong khi đó, Người có thể chọn giải pháp an nhàn, học hành thi đỗ làm quan cho triều đình Nhà Nguyễn, yên bề gia thất, sống cuộc đời thanh danh. Nhưng vì lòng yêu nước, thương dân, Người tự nhận trách nhiệm đó thuộc về mình. Vượt qua bao sóng gió, Người sống và lao động cùng những người công nhân, lao động nghèo và tìm thấy ở đó những điểm tương đồng với hoàn cảnh của người dân Việt Nam. Người nhận ra, thế giới này chỉ có hai hạng người: bóc lột và bị bóc lột.
Bằng những trải nghiệm thực tiễn, đầu năm 1919, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Ngày 18/6/1919, thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Người gửi bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” tới Hội nghị Vécxây. Đồng thời, tích cực hoạt động trong phong trào công nhân, Nhân dân lao động nghèo khổ khắp đường phố Pari, đặc biệt là các hoạt động kêu gọi Nhân dân Pháp ủng hộ cuộc cách mạng của nước Nga Xô Viết chống lại cuộc bao vây của các nước đế quốc. Người liên tục theo dõi các sự kiện chính trị xã hội trên các báo ra hàng ngày. Ngày 16 và 17/7/1920, báo Nhân đạo của Đảng Xã hội Pháp đăng toàn văn “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin. Người đọc, nghiên cứu bản Luận cương và tìm thấy ở đó con đường giải phóng dân tộc. Người đã thốt lên: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”
Sau khi tiếp cận Luận cương của Lênin, Người tích cực tuyên truyền về Việt Nam. Với những việc làm cụ thể như mở lớp huấn luyện chính trị, thành lập tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên năm 1925, sáng lập báo Thanh niên 6/1925, tuyên truyền về chủ nghĩa cộng sản, về Đảng Cộng sản, về Cách mạng Tháng Mười Nga, xuất bản tác phẩm Đường Kách mệnh đầu năm 1927… góp phần đưa tư tưởng của thời đại mới về Việt Nam, thúc đẩy sự chuyển biến về chất trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Sau đó, khi các tổ chức cộng sản Việt Nam ra đời, Người đã tổ chức thành công Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau khi thành lập, Đảng không ngừng hoàn chỉnh chủ trương, đường lối phù hợp từng giai đoạn lịch sử, lãnh đạo Nhân dân vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân Pháp, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do. Thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Thắng lợi của công cuộc đổi mới, sau hơn 35 năm thực hiện đổi mới và hội nhập quốc tế, với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay" như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định.
Những thắng lợi to lớn của đất nước ta trong 93 năm qua là thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đấu tranh vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng mà Hồ Chí Minh là người có công khởi đầu, tìm đường, dẫn lối. Đó không đơn thuần là đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà còn là sự đền đáp công ơn trời biển với Người.
Thắng lợi đó cũng là luận cứ để đập tan các luận điệu chống phá, bôi đen, xuyên tạc, bẻ cong sự thật của các thế lực phản động, thù địch. Để khẳng định rằng: Ngày 5/6/1911 không chỉ là một sự kiện đặc biệt đánh dấu một sự lựa chọn chính xác của Nguyễn Tất Thành- Nguyễn Ái Quốc- Chủ tịch Hồ Chí Minh mà đó là sự lựa chọn đúng đắn của dân tộc Việt Nam. Đi theo con đường Người đã chọn, đất nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh và phồn vinh, từng bước khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế, sánh vai cùng bạn bè quốc tế./.