Hội thảo kết nối doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thực phẩm sang thị trường châu Âu – châu Mỹ

Ngày 12/11/2021, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo trực tuyến kết nối doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thực phẩm sang thị trường châu Âu – châu Mỹ nhằm chia sẻ những thuận lợi và khó khăn; thông tin về nhu cầu nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam sang thị trường Mỹ và châu Âu; kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các nhà nhập khẩu tại thị trường Hoa Kỳ, Đức, Hà Lan, Liên bang Nga.

Tham dự hội thảo có Lãnh đạo Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; Tham tán Việt Nam tại nước ngoài như Đức, Hà Lan, Liên bang Nga; Trưởng đại diện cơ quan Thương mại Việt Nam tại Sanfrancisco và Huston; đại diện hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, đại diện các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam và các thị trường kể trên.

Tại hội thảo đại diện các Hội doanh nhân người Việt tại các thị trường, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Cơ quan đại diện và các Tham tán thương mại tại thị trường châu Âu – châu Mỹ chia sẻ những tiềm năng, thuận lợi, khó khăn và những lưu ý khi xuất khẩu nông sảng thực phẩm sang thị trường này.

Điểm cầu chính Bộ Công Thương

Hiện nay dù phải chịu áp lực từ dịch COVID-19 và chi phí lưu kho, logistics liên tục tăng nhưng xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang khu vực châu Âu – châu Mỹ vẫn ghi nhận diễn biến tích cực do nhu cầu tiêu thụ rất lớn tại các thị trường này. Theo đánh giá của các tham tán Việt Nam thì tại thị trường châu Âu và châu Mỹ mặt hàng thủy sản, sản phẩm nhiệt đới, trái cây tươi và rau quả có sản lượng nhập khẩu lớn từ nước ngoài là do: sản lượng sản xuất hạn chế không đáp ứng được quy mô thương mại trong nước, hoa quả có sự chênh lệch trong mùa vụ nên cần nhập khẩu từ nước ngoài, thực phẩm và trái cây nhập khẩu thường có chất lượng tốt và rẻ hơn, đồng thời muốn đa dạng hóa nguồn cung. Do vậy để thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng này các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam cần lưu ý:

- Tuân thủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, nắm bắt, áp dụng chặt chẽ các quy định của từng nước liên quan đến dư lượng chất bảo vệ thực vật, kháng sinh;

- Các nhà xuất khẩu cần đảm bảo có đủ các chứng chỉ chất lượng theo yêu cầu;

- Chủ động thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường các nước châu Âu, châu Mỹ đặc biệt là tại các khu vực có cộng đồng người châu Á, châu Mỹ La tinh;

- Tích cực liên kết với các Hiệp hội doanh nghiệp gốc Việt tại các tiểu bang California, Washington DC, Sanfrancisco, Huston, các nước Đức, Hà Lan, Nga là những địa bàn quan trọng trong hoạt động kết nối doanh nghiệp.

Tại hội thảo, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cũng đã lập ra các nhóm kết nối tại từng thị trường cụ thể, qua đó các doanh nghiệp trong nước, Hiệp hội doanh nghiệp, các công ty của Kiều bào Việt Nam ở nước ngoài được thảo luận hỏi đáp liên tục với nhau nhằm giải quyết các khó khăn vướng mắc, chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình xuất khẩu và tìm được các đối tác lớn nhằm mở rộng sản xuất kinh doanh. 

Theo các Tham tán Thương mại, để cải thiện tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu nông sản sang thị trường châu Âu – châu Mỹ, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam cần nỗ lực, sáng tạo cùng với sự hỗ trợ năng động từ các cơ quan liên quan, Hiệp hội doanh nghiệp và hệ thống Thương vụ ở nước ngoài trong việc tiếp cận thị trường, khai thông các kênh bán hàng mới góp phần tạo nên mức tăng trưởng tích cực cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng và thuận lợi đến các thị trường, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cung cấp Danh sách các Thương vụ ở thị trường châu Âu – châu Mỹ để thuận tiện trong việc tìm kiếm thông tin. Danh sách đính kèm

Tin liên quan