Tham dự buổi lễ, về phía lãnh đạo Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước CHXH chủ nghĩa Việt Nam; Phạm Thế Duyệt, Nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước CHXH Chủ nghĩa Việt Nam; Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXH Chủ nghĩa Việt Nam; Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cùng các đồng chí Nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan Bộ, Ban, ngành Trung ương. Về phía lãnh đạo tỉnh có: Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMT TQVN tỉnh.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam.
Tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang đã ôn lại thời kỳ lịch sử hào hùng của mảnh đất kiên cường Quảng Nam; cùng với cả dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, ngày 24-3-1975, tỉnh Quảng Nam được hoàn toàn giải phóng, góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân 30-4-1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau chiến tranh, Quảng Nam - Đà Nẵng bắt tay ngay vào việc kiến thiết, hàn gắn lại những vết thương, những nỗi đau mất mát với một ý chí quyết tâm dựng xây lại quê hương đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ
Năm 1997, Đà Nẵng và Quảng Nam chia tách. Sau 20 năm xây dựng, Quảng Nam từ một tỉnh nằm trong nhóm nghèo nhất nước, đến nay đã trở thành tỉnh phát triển khá của miền Trung và trong nhóm các tỉnh, thành phố có đóng góp ngân sách cho Trung ương. Quy mô kinh tế tăng hơn 30 lần. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt khoảng 53 triệu đồng, gấp 28 lần so với thời điểm chia tách tỉnh, vượt mức bình quân cả nước. Từ một tỉnh phải nhận trợ cấp hơn 70% ngân sách Trung ương, đến nay thu ngân sách đã đạt trên 20 ngàn tỷ đồng, gấp hơn 170 lần so năm đầu tái lập. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư phát triển. Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Quốc phòng được củng cố; an ninh chính trị được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; hoạt động đối ngoại được mở rộng. Hệ thống chính trị hoạt động đồng bộ, cải cách hành chính được đẩy mạnh; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước có chuyển biến tích cực. Dân chủ được phát huy, khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố. Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo và công cuộc đổi mới của Đảng, vào sự đổi thay của quê hương, đất nước.
Chương trình nghệ thuật Quảng Nam ngày mới được dàn dựng công phu, hoành tráng...
Mục tiêu đến năm 2020, Quảng Nam trở thành tỉnh khá của cả nước, sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Đặc biệt, Quảng Nam chú trọng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước; chú trọng nâng cấp hạ tầng các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch, nhất là ở khu vực Hội An, khu vực ven biển; đồng thời, mở rộng không gian phát triển du lịch về phía Nam và phía Tây của tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, vận tải, bưu chính, viễn thông,...
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những kết quả mà Quảng Nam đã đạt được sau ngày độc lập, đặc biệt là trong 20 năm tái lập tỉnh. Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta vô cùng tự hào sao 20 năm tỉnh Quảng Nam đã đạt được những thành quả phát triển vượt bậc trong khi vẫn luôn gìn giữ, phát huy các giá trị của địa phương và di sản kế thừa quý báu từng làm nên một xứ Đàng Trong phồn vinh, trên bến dưới thuyền, là nơi đất lành chim đậu, một xã hội có sức thu hút, dung nạp những con người và tinh hoa văn hóa khắp bốn phương. Với xứ Quảng chúng ta thì dù 2 thế kỷ trước hay 20 năm qua hay 200 năm nữa, đây sẽ là nơi ai đã đi qua vẫn luôn “chân bước không đành”.
Với nhiều tiết mục hấp dẫn, tái hiện những năm tháng gian khó, hào hùng trong công cuộc xây dựng và đổi mới quê hương
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Quảng Nam thẳn thắn nhìn lại tồn tại hạn chế để hướng đến 20 năm tiếp theo. Chú trọng đổi mới về các ngành du lịch, nông nghiệp hữu cơ, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển kinh tế. Quan tâm chăm lo tốt hơn các vấn đề xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần cho người dân, chăm lo cho người có công với cách mạng, gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số.
“Chìa khóa cho sự thành công của Quảng Nam nằm ở khả năng đánh thức tiềm năng về con người, vận dụng tốt các yếu tố tài nguyên về con người, địa lý sẵn có và không gian liên kết kinh tế với Đà Nẵng, Quảng Ngãi và các tỉnh duyên hải miền Trung cùng với liên kết chiến lược chuỗi giá trị với các địa phương có lợi thế trong cả nước đặc biệt là Vĩnh Phúc, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Với lịch sử hào hùng của vùng đất đi lên bằng ý chí, tính can trường và tinh thần ham học hỏi, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta có một niềm tin vững chắc về một tương lai xứ Quảng ngày càng giàu đẹp và toàn diện hơn”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Tại Lễ kỷ niệm, chương trình nghệ thuật với chủ đề “Quảng Nam ngày mới” đã tái hiện lại quá trình nỗi lực xây dựng của Quảng Nam khi chia tách tỉnh đến nay và sự quyết tâm, đồng lòng của Đảng bộ, nhân dân Quảng Nam phát triển đi lên trong thời kỳ mới ./.