Ngày 10/10/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 107/2017/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán HCSN áp dụng từ ngày 01/01/2018 thay thế Quyết định số 19/2006 và Thông tư số 185/TT-BTC ngày 15/11/2010 của Bộ Tài chính.
Thông tư này hướng dẫn cụ thể các vấn đề sau :
- Danh mục biểu mẫu và phương pháp lập chứng từ kế toán bắt buộc;
- Danh mục hệ thống tài khoản và phương pháp hạch toán tài khoản kế toán;
- Danh mục mẫu sổ và phương pháp lập sổ kế toán;
- Danh mục mẫu báo cáo và phương pháp lập và trình bày báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách của các đơn vị tại Điều 2 của Thông tư này.
Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp có một số điểm mới :
1. Về chứng từ kế toán
Các đơn vị hành chính, sự nghiệp đều phải sử dụng thống nhất mẫu chứng từ kế toán thuộc loại bắt buộc quy định trong Thông tư này và không được sửa đổi biểu mẫu chứng từ thuộc loại bắt buộc.
Ngoài các chứng từ kế toán bắt buộc được quy định tại Thông tư này và các văn bản khác, đơn vị HCSN được tự thiết kế mẫu chứng từ để phản ảnh các nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Mẫu chứng từ tự thiết kế phải đáp ứng tối thiểu 7 nội dung quy định tại Điều 16 Luật kế toán.
2. Về tài khoản kế toán
Theo quy định tại Quyết định 19/2006/QĐ-BTC thì hệ thống tài khoản kế toán áp dụng cho các đơn vị HCSN do Bộ Tài chính quy định gồm 7 loại, từ Loại 1 đến Loại 6 là các tài khoản trong Bảng cân đối tài khoản và Loại 0 là các tài khoản ngoài Bảng cấn đối tài khoản.
Theo quy định tại Thông tư này thì hệ thống tài khoản có nhiều sự thay đổi bao gồm 10 loại, trong đó :
- Từ tài khoản loại 1 đến loại 9 được hạch toán kép (hạch toán bút toán đối ứng giữa các tài khoản) dùng để kế toán tài chính phản ánh tình hình: tài sản, công nợ, nguồn vốn, doanh thu, chi phí, thặng dư (thâm hụt) của đơn vị trong kỳ kế toán.
- Tài khoản loại 0 là tài khoản ngoài bảng, được hạch toán đơn (không hạch toán bút toán đối ứng giữa các tài khoản) dùng để kế toán thu, chi ngân sách nhà nước (gọi tắt là kế toán ngân sách) đối với các đơn vị được ngân sách nhà nước cấp kinh phí. Nếu một nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh mà liên quan đến thu, chi ngân sách nhà nước thì kế toán vừa phải hạch toán kế toán tài chính và đồng thời hạch toán kế toán ngân sách.
3. Về sổ kế toán
Tất cả các nghiệp vụ tài chính và kinh tế phát sinh có liên quan đến đơn vị kế toán đều bắt buộc phải được ghi chép trong sổ kế toán. Đồng thời, phải mở sổ kế toán để theo dõi riêng các nguồn ngân sách sử dụng từ nguồn viện trợ, trợ cấp từ bên ngoài.
Mỗi đơn vị kế toán chỉ sử dụng một hệ thống sổ kế toán cho một kỳ kế toán năm, bao gồm sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết.