Triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh năm 2021

.

Năm 2020 khép lại trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước có những biến động lớn do tác động của dịch bệnh, thiên tai. Kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy giảm, tăng trưởng kinh tế trong nước chững lại và thấp hơn rất nhiều so với năm 2019 nhưng là một trong những quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng gần 3%, là điểm sáng của khu vực và thế giới. Ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh, các tỉnh, thành khu vực miền Trung mà đặc biệt là Quảng Nam phải chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, làm thiệt hại lớn về người, tài sản và kết cấu hạ tầng đã phát triển trong hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế xã hội của tỉnh đạt được những kết quả nhất định, thu ngân sách đạt gần 95% dự toán; cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; công tác an sinh xã hội được đảm bảo; lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, lao động việc làm tiếp tục được quan tâm.

 Trước những khó khăn, thách thức, nhiệm vụ đặt ra cho năm 2021 là rất nặng nề, có ý nghĩa quan trọng trong việc khôi phục, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đây cũng là năm đầu tiên thực hiện Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, là năm diễn các ra sự kiện quan trọng của đất nước như: Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chào mừng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Vì vậy, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, toàn đảng, toàn dân trên địa bàn tỉnh cần tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm, dẫn dắt, có sức lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội; phấn đấu hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, trong đó phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) tăng trong năm 2021 đạt khoảng 6,5-7%.

Để thực hiện có hiệu quả song song mục tiêu vừa phòng chống dịch bệnh, thiên tai vừa phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, năm 2021 cần tổ chức thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

1. Khẩn trương khắc phục hậu quả bão, lũ, sạt lở đất, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, sớm ổn định cuộc sống, sản xuất, kinh doanh. Thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid – 19.

2. Tập trung thực hiện tốt 03 nhiệm vụ đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cải thiện môi trường đầu tư và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Xây dựng và hoàn thành có chất lượng quy hoạch tỉnh; tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý đô thị; tập trung xây dựng các đô thị đạt các tiêu chí theo quy hoạch. Xây dựng cơ chế hỗ trợ đầu tư phát triển đô thị trung tâm các huyện: Tây Giang, Nam Trà My, Nông Sơn để sớm trở thành thị trấn, hoàn thiện kết cấu hạ tầng thị trấn Tân Bình (huyện Hiệp Đức), thị trấn Hương An (huyện Quế Sơn). Thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, triển khai có hiệu quả cơ chế hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chú trọng nâng cao chỉ số cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thật sự thông thoáng, hấp dẫn. Phát huy hiệu quả hoạt động các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước, tăng cường vai trò Quỹ Phát triển đất trong việc tạo mặt bằng sạch, thu hút đầu tư, phục vụ dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

3. Đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ - du lịch

Thay đổi cơ cấu ngành kinh tế truyền thống sang cơ cấu ngành kinh tế hiện đại, phát triển bền vững theo chiều sâu, chủ yếu dựa vào lợi thế đổi mới công nghệ, thân thiện môi trường, ít hao tốn tài nguyên, năng suất và giá trị gia tăng cao. Đối với cơ cấu thành phần kinh tế, cần cải thiện cơ chế, môi trường đầu tư để thúc đẩy mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước chỉ đảm bảo hiệu quả trong cung cấp các dịch vụ công và phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ. Đối với cơ cấu vùng kinh tế, phát triển theo đúng quy hoạch và định hướng đã đề ra, ưu tiên đầu tư cho vùng động lực phía Đông của tỉnh, nhưng phải đảm bảo sự kết nối, tương hỗ phát triển với vùng Tây. Trong dài hạn tăng dần đầu tư cho vùng Tây để giảm dần khoảng cách phát triển giữa 2 vùng. 

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển song song ngành công nghiệp và dịch vụ. Phát triển công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo, ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp. Rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động, điều kiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Chú trọng phát triển các ngành dịch vụ có khả năng thúc đẩy phát triển một số ngành công nghiệp trọng yếu tham gia hình thành chuỗi giá trị trong và ngoài nước. Tập trung các giải pháp phục hồi ngành du lịch, kích cầu du lịch nội địa, chuẩn bị sẵn sàng để thu hút, đón khách quốc tế ngay khi điều kiện cho phép.

4. Phát triển kinh tế xã hội nông thôn, miền núi, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Rà soát, đánh giá tổng thể các chính sách đầu tư trên địa bàn miền núi, gắn với đánh giá tổng quan về việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã hội; đồng thời, lồng ghép các cơ chế, chính sách của Trung ương mới ban hành để tích hợp, xây dựng đề án tái cơ cấu kinh tế miền núi nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh.

Tập trung thực hiện các giải pháp khôi phục hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện miền núi do ảnh hưởng của bão lũ, sạt lở đất, nhất là giao thông liên kết vùng; có chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất để nhân dân sớm ổn định sản xuất, đời sống. Tiếp tục có giải pháp giảm nghèo thực chất, bền vững.

Chú trọng công tác quy hoạch sản xuất, định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp yêu cầu thị trường; kiểm soát tốt dịch bệnh gia súc, gia cầm. Tập trung chỉ đạo tổng kết, tích hợp các cơ chế, chính sách để kịp thời tham mưu ban hành chính sách tổng thể về đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, kinh tế biển. Tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới bảo đảm thực chất, hiệu quả, bền vững; điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới phù hợp với quy hoạch của tỉnh. Thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể.

5. Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường. Kiểm soát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng. Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhất là đất ở, đất lâm nghiệp trên địa bàn các huyện trung du, miền núi.

 Bảo vệ môi trường hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội; rà soát, đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội, an ninh - trật tự và tác động môi trường của các mỏ khoáng sản đang hoạt động. Xử lý có hiệu quả tình trạng hoạt động khoáng sản trái phép trong khu vực mỏ vàng Bồng Miêu. Kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý mặt nước lòng hồ Phú Ninh. Tăng cường xúc tiến thu hút, lựa chọn nhà đầu tư xây dựng các khu, nhà máy xử lý rác thải có công nghệ tiên tiến, bảo đảm môi trường.

6. Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công, tài chính - ngân sách nhà nước. Tăng cường quản lý hoạt động đầu tư công, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Đầu tư công theo quy định. Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công. Tích cực huy động nguồn lực, phát huy và kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Theo dõi, có biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân, kiểm soát chăṭ nợ xây dựng cơ bản, tập trung xử lý nợ tạm ứng ngân sách thuộc kế hoạch trung hạn 2016-2020. Thẩm định chặt chẽ danh mục dự án dự kiến đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhất là đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Tuân thủ nguyên tắc phân cấp và thứ tự ưu tiên trong phân bổ vốn đầu tư theo Nghị quyết số 12/2020/NQ-HĐND tỉnh ngày 20/11/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Tiếp tục hoàn chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 phù hợp với quy định Trung ương và chủ trương của Hội đồng nhân dân tỉnh, trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định trong năm 2021.

Tăng cường công tác thẩm định, phê duyệt giá đất, quy định thời hạn đối với các dự án phải khấu trừ tiền bồi thường giải phóng mặt bằng vào tiền thuê đất, sử dụng đất phải nộp để kịp thời huy động các khoản thu ngân sách nhà nước theo đúng quy định. Theo dõi chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, kịp thời tổ chức đánh giá Nghị quyết 21/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và định mức chi thường xuyên ngân sách các cấp thuộc ngân sách địa phương năm 2017, năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách mới theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để làm cơ sở xây dựng Nghị quyết Quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và định mức phân bổ chi thường xuyên giai đoạn 2022- 2025.

7. Phát triển giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, đảm bảo an sinh xã hội. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; triển khai việc sắp xếp tổ chức, bộ máy ngành giáo dục đào tạo, mạng lưới giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho giáo viên và học sinh theo quy định.

Tiếp tục quan tâm đầu tư cho công tác y tế, nhất là chất lượng đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, gắn với ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào các hoạt động y tế, chú trọng y tế cơ sở. Đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực y tế; nâng cao chất lượng công tác dân số. Chú trọng thực hiện chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo, cho trẻ em và các trường hợp chính sách xã hội khác. Triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra ở người. Chú trọng y tế cơ sở, y tế dự phòng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ, thông tin truyền thông. Hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung phục vụ phát triển chính quyền điện tử, đồng bộ với hệ thống hạ tầng dữ liệu quốc gia. Tiến đến xử lý công việc trên môi trường mạng; nâng cao mức độ ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, cải thiện năng lực quản lý hạ tầng số.

Thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ ưu đãi người có công cách mạng, thanh niên xung phong, trợ cấp, bảo hiểm xã hội. Đẩy nhanh việc giải quyết các trường hợp tồn đọng về công nhận người có công và các trường hợp công nhận mới. Tu bổ nghĩa trang liệt sỹ, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa.

8. Bảo đảm quốc phòng, an ninh; tăng cường công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền các cấp. Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo; triển khai quyết liệt công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội trên địa bàn. Chỉ đạo, phối hợp thực hiện nghiêm túc các kết luận kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán gắn với giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành. Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thủ trưởng đơn vị trong việc thực hiện các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tập trung giải quyết những bất cập về tổ chức, hoạt động, tài sản, đất đai của các đơn vị sau sắp xếp, sáp nhập./.

Tin liên quan

Họ tên:Nguyễn Quang Thử

Chức vụ:Giám đốc Sở

Số điện thoại:0235 3504567 (0913424027)

Email:thuqn@quangnam.gov.vn