Đại dịch Covid-19 đã tạo ra những xáo trộn lớn chưa từng có, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội trên thế giới và trong nước. Năm 2020, kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy giảm, tăng trưởng kinh tế trong nước chững lại và thấp hơn rất nhiều so với năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) giảm 7% so với năm trước – đây là lần đầu tiên kinh tế tỉnh Quảng Nam tăng trưởng âm kể từ khi tái lập tỉnh đến nay. Ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh, tỉnh còn phải chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, làm thiệt hại lớn về người, tài sản và kết cấu hạ tầng đã phát triển trong hơn 20 năm qua. Nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2021 đã đạt được những kết quả nhất định, tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu phục hồi, GRDP tăng 11,7% so với cùng kỳ, là một trong 9 tỉnh của cả nước có tốc độ tăng trưởng trên 2 con số, đứng thứ 5 so với cả nước và cao nhất vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung về tốc độ tăng trưởng. Tổng thu ngân sách nhà nước vượt tiến độ thu. Cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; công tác an sinh xã hội được đảm bảo; lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, lao động việc làm tiếp tục được quan tâm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, dự báo vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh; nền kinh tế chịu ảnh hưởng chung của khu vực và quốc tế như bị gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh; ngành du lịch, dịch vụ tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề, chưa thể phục hồi; các doanh nghiệp của tỉnh đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô nhỏ nên khả năng cạnh tranh chưa cao.
Trước những khó khăn, thách thức, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là rất nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, để thực hiện có hiệu quả song song mục tiêu vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, giai đoạn tới cần tổ chức thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
1. Tiếp tục thực hiện nghiêm, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh theo hướng thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội gắn với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 lâu dài.
Xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin đảm bảo an toàn, ưu tiên cho các trường hợp tuyến đầu chống dịch và công nhân các khu, cụm công nghiệp. Tăng cường kiểm soát tình hình dịch bệnh tại Khu công nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp thực hiện việc tự mua và tiêm vắc xin cho công nhân, lao động tại doanh nghiệp của mình theo đúng quy định của Bộ Y tế; đồng thời hoàn chỉnh phương án phòng, chống dịch để không làm đứt gẫy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nguyên vật liệu, vật tư phục vụ sản xuất và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa, các sản phẩm nông sản của các địa phương trong thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Quản lý chặt chẽ việc nhập cảnh, đặc biệt kiểm soát nhập cảnh trái phép và cư trú bất hợp pháp.
2. Khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hành động Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng thời, triển khai tốt các Kết luận, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã thông qua về định hướng phát triển vùng Đông Nam của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; thực hiện ba nhiệm vụ đột phá chiến lược giai đoạn 2021-2025 và xây dựng và phát triển đô thị loại I thuộc tỉnh Quảng Nam. Chú trọng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị mang tính động lực phát triển liên vùng. Tập trung tạo quỹ đất sạch để các nhà đầu tư sớm tiếp cận nghiên cứu, triển khai 6 nhóm dự án trọng điểm vùng Đông Nam của tỉnh, ưu tiên đầu tư phát triển Cảng biển Chu Lai thành cảng biển loại 1 và sân bay Chu Lai thành sân bay trung chuyển hành khách và hàng hóa quốc tế. Chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ưu tiên xử lý dứt điểm các công trình bảo vệ môi trường như hoàn thiện các nhà máy xử lý nước thải tập trung, rác thải ở các khu, cụm công nghiệp. .
Đẩy nhanh tiến độ triển khai lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn chỉnh Quy hoạch liên vùng huyện phía Đông tỉnh Quảng Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để định hướng phát triển lâu dài và thu hút đầu tư.
Tập trung hoàn thiện tuyến đường ven biển Việt Nam qua tỉnh Quảng Nam; khơi thông và phát triển đô thị du lịch - dịch vụ sông Cổ Cò, Trường Giang. Xây dựng các tuyến đường ngang kết nối đường cao tốc, Quốc lộ 1A với đường ven biển Võ Chí Công và hệ thống giao thông kết nối các khu chức năng, các nhóm dự án trọng điểm, giao thông liên vùng và phát triển đô thị.
3. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, thông thoáng, minh bạch, thuận lợi; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là về đất đai, đầu tư, xây dựng, tín dụng, thuế, hải quan,... Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư phù hợp với quy định về phòng, chống đại dịch Covid-19. Chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng, mặt bằng, nguồn nhân lực để chủ động đón bắt thời cơ, thu hút nguồn lực bên ngoài, đón đầu làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư sau đại dịch. Phát triển mạnh các loại hình doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, vườn ươm doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, thương mại, nông nghiệp, chế biến, chế tạo, phát triển kinh tế biển; chú trọng hỗ trợ, khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp công nghiệp, hỗ trợ, dịch vụ.
4. Chủ động, linh hoạt trong quản lý, điều hành thu chi ngân sách; rà soát; khoản thu ngân sách, nhất là thu thuế, phí, thu khai thác khoáng sản, vãng lai, thu từ tiền sử dụng đất đối với các dự án chưa nộp. Triệt để thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên để ưu tiên dành nguồn chi đầu tư phát triển, tiết kiệm chi hành chính, hội họp, đi công tác; đồng thời bảo đảm nguồn lực cho phòng, chống dịch và an sinh xã hội.
Triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là biện pháp quan trọng hàng đầu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là các dự án trọng điểm, dự án khởi công mới. Kiên quyết cắt, giảm, dừng triển khai, điều chuyển vốn các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các dự án có nhu cầu về bồi thường, giải phóng mặt bằng và những dự án có khối lượng nhưng thiếu vốn.
5. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là quy hoạch, đô thị, đất đai, tài nguyên, môi trường, khoáng sản, ... Đẩy mạnh công tác quản lý hoạt động đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá đất sạch thực hiện dự án đầu tư, trình tự thỏa thuận chuyển nhượng, góp vốn quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Rà soát các hoạt động kinh doanh nhà ở, kinh doanh bất động sản để tăng cường quản lý thu ngân sách, ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
6. Đẩy mạnh sản xuất nông, lâm, thủy sản, nhất là đảm bảo nước tưới cho vụ Hè Thu; phòng hạn, chống xâm nhập mặn, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; đẩy nhanh tốc độ tái đàn lợn, nuôi gia cầm, nuôi trồng thủy sản để phục vụ nhu cầu tại chỗ và xuất khẩu; hình thành chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm; đồng thời kiểm soát chặt dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cẩm. Xây dựng Đề án sắp xếp dân cư vùng miền núi tỉnh giai đoạn 2021-2025, Đề án Phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và triển khai Chương trình quốc gia phát triển Sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến 2045.
7. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức các hoạt động kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19; xây dựng kế hoạch tổ chức năm Du lịch quốc gia 2022. Triển khai hệ thống phần mềm du lịch thông minh tỉnh Quảng Nam. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch, tập trung vào thị trường khách du lịch nội địa và khách du lịch đến từ các quốc gia, vùng đã kiểm soát được dịch bệnh đến Quảng Nam, nhằm quảng bá tốt hình ảnh cho du lịch, là điểm đến du lịch "An toàn - Thân thiện - Hấp dẫn" và trở thành sự lựa chọn hàng đầu của du khách.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, quản lý môi trường kinh doanh du lịch; tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng hàng không khôi phục lại các chuyến bay thương mại đến cảng Chu Lai, đồng thời đề xuất mở thêm các tuyến nội địa. Hỗ trợ tối đa hoạt động thông quan, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển thương mại và xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu và lối mở sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Đẩy mạnh thanh toán trực tuyến, thanh toán không
dùng tiền mặt. Phát động và thực hiện phong trào tiết kiệm trong toàn hệ thống chính trị và xã hội để dồn nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.
8. Nghiên cứu giải pháp phát triển trường Đại học Quảng Nam và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trường Cao đẳng Quảng Nam.
Tập trung đào tạo, giải quyết việc làm, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại người lao động, đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội và ổn định đời sống nhân dân, nhất là người có công, người nghèo, người mất việc làm, người yếu thế, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, chống trục lợi chính sách, xử lý nghiêm các vi phạm.
9. Phát triển mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mạnh mẽ, hướng đến xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử, thực hiện hiệu quả Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh, Smart Quang Nam, Egov Quang Nam. Tiếp tục rà soát, thực hiện củng cố, sắp xếp tổ chức bộ máy, vị trí việc làm cho các đơn vị còn lại theo Nghị định số 107/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ.
Tổ chức Hội nghị đánh giá, công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (ICT INDEX) của tỉnh và Chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp Sở, Ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh (DDCI) để đánh giá hoàn thiện và nâng cao các bộ chỉ số.
10. Bảo đảm công tác quốc phòng, an ninh; chủ động phương án xử lý kịp thời những vụ việc phức tạp phát sinh, không để bị động, bất ngờ tạo thành điểm nóng gây phức tạp về an ninh, trật tự; thường xuyên nắm bắt tình hình thực tế, dành thời gian thỏa đáng trực tiếp đối thoại, giải trình, trả lời kiến nghị của người dân, tập trung giải quyết cơ bản, dứt điểm các vụ việc nổi cộm, gây bức xúc dư luận xã hội; nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; phòng, chống tham nhũng, lãng phí.