Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sơ kết công tác QLNN lĩnh vực Thông tin và Truyền thông 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ công tác trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022.

Chiều ngày 18/7, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị sơ kết 06 tháng đầu năm và đề ra phương hướng nhiệm vụ 06 tháng cuối năm 2022.

 

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Nam

 

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ TT&TT, doanh thu toàn ngành Thông tin truyền thông trong 06 tháng đầu năm đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng (tăng 17%), lợi nhuận đạt hơn 137 nghìn tỷ đồng (tăng 13%) so với cùng kỳ năm 2021, đạt 49% kế hoạch năm 2022. Đóng góp vào GDP gần 462 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận hơn 285 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách gần 63 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho 1,5 triệu lao động trên cả nước.

Trong 06 tháng đầu năm, hầu hết các lĩnh vực trong ngành TT-TT đều đạt mức tăng trưởng dương. Trong đó, thị trường bưu chính vẫn ghi nhận mức tăng trưởng trên 30% về doanh thu dịch vụ bưu chính, sản lượng bưu gửi so với cùng kỳ. Sản lượng bưu chính (KT1) 6 tháng đầu năm 2022 đạt 578.828 bưu gửi, tăng khoảng 6,4 % so với cùng kỳ năm 2021. 

Đại diện Bộ TT-TT cho biết, tổng Doanh thu dịch vụ viễn thông 6 tháng đầu năm 2022 tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021; tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tính từ đầu năm đến nay, các DNVT di động đã chặn hơn 150 nghìn thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác (trung bình 25 nghìn thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác /tháng tăng gần gấp 2 lần so với trung bình năm 2021).

Đối với lĩnh vực ứng dụng CNTT, đến thời điểm này cả nước có 41/63 tỉnh, thành phố triển khai hơn 36 nghìn Tổ công nghệ số cộng đồng với gần 200 nghìn thành viên tham gia, triển khai đến tận thôn, xóm tại các địa phương. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ là 45,7%, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Bộ TT-TT cũng cho biết, hiện tại có 67.300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp ICT, đạt tỷ lệ xấp xỉ khoảng 0,69 doanh nghiệp/1.000 dân (bằng 98% kế hoạch năm là 0,7 doanh nghiệp/1.000 dân). Giá trị các sản phẩm “Make in Viet Nam” ước đạt 19,4 tỷ USD, chiếm 26,72% trong cơ cấu doanh thu công nghiệp CNTT. Slogan “Make in Viet Nam” đã được cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số hưởng ứng. Bộ TT-TT đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 phát triển 80 nghìn doanh nghiệp công nghệ số; đào tạo 1,5 triệu nhân lực; thu hút đầu tư nước ngoài đạt 25 tỷ USD. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu phần cứng - điện tử: ước đạt 57 tỷ USD (tăng 16,4% so với cùng kỳ) trong đó xuất khẩu máy tính ước đạt 29,1 tỷ USD (tăng 21,8%) và xuất khẩu điện thoại ước đạt 27,9 tỷ USD tăng (11,2%) so với cùng kỳ. 

Trong lĩnh vực Báo chí, truyền thông, hội nghị nêu lên vấn đề một số tạp chí, cơ quan thông tấn hoạt động không đúng với tôn chỉ mục đích, xảy ra tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí. Đại diện Bộ TT-TT cho biết trong thời gian tới sẽ  xử lí, chấn chỉnh thực trạng này.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, đã đến lúc ngành thông tin truyền thông phải tạo ra giá trị, thúc đẩy sự phát triển của đất nước, thì phải đặt ra mục tiêu cao cho mình, cũng tức là mục tiêu cao cho đất nước, phải tìm cách tiếp cận mới cho việc khó dễ đi mà làm, không được dùng mãi câu cửa miệng là "Làm nhà nước thì khó lắm". Nếu nói vậy là đã đóng lại mọi cánh cửa rồi. Phải mở cánh cửa ra, mọi cái đều có thể làm được, mọi giấc mơ đều có thể hiện thực.

Tin liên quan