Trong đó diễn ra các hoạt động như:
Chiều ngày 18/7/2024, Các chuyên gia đồng chủ trì Hội thảo; các chuyên gia có báo cáo tham luận tại Hội thảo và các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành khảo sát thực tế tại Hồ Sông Đầm
Sáng ngày 19/7/2024, Hội thảo chính thức tại Khách sạn Phú Long Tam Kỳ. Hội thảo đã nhận được 15 bài báo cáo khoa học của các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học đang nghiên cứu về lĩnh vực đa dạng sinh học và quản lý đất ngập nước. Với sự tham gia đông đảo của gần 200 đại biểu khách mời tham dự
Hội Thảo đã xác định vai trò, vị trí của sông Đầm: Thành phố Tam Kỳ là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Quảng Nam, là trung tâm chính trị- hành chính, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật của tỉnh. Trong những năm gần đây, Tam Kỳ đang nỗ lực xây dựng đô thị đạt các tiêu chuẩn của đô thị loại I theo định hướng của quy hoạch chung; hướng đến là một đô thị xanh, sinh thái, hiện đại và thông minh, là Thủ phủ xanh của tỉnh Quảng Nam. Một trong những mục tiêu quan trọng thành phố hướng đến là hình thành và duy trì một đô thị có sức hấp dẫn thông qua việc tạo dựng cảnh quan đặc sắc gắn với bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn các giá trị văn hóa địa phương để tạo sự thu hút không chỉ với cư dân mà còn đối với du khách. Qua đó tạo động lực cho sự phát triển bền vững của đô thị. Theo Quy hoạch chung thành phố Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sông Đầm đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng đô thị sinh thái Tam Kỳ. Sông Đầm có hệ sinh thái nước ngọt đa dạng, phong phú đặc trưng của khu vực Nam Trung Bộ. Sông Đầm với vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên, hiếm có, cùng với hệ thống di tích lịch sử quốc gia địa đạo Kỳ Anh là tiềm năng to lớn cho việc phát triển du lịch của thành phố Tam Kỳ và khu vực phía Nam của tỉnh trong tương lai. Sông Đầm có mức độ đa dạng sinh học cao, mang nhiều chức năng và giá trị quan trọng đối với môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, sinh hoạt sản xuất và văn hoá truyền thống của cư dân bản địa quanh vùng bờ.
Mục tiêu, định hướng phát triển sông Đầm:
- Phát triển sông Đầm trở thành Khu bảo tồn đất ngập nước cấp tỉnh theo hướng lồng ghép công viên thiên nhiên cảnh quan, nghỉ ngơi, trải nghiệm, hoạt động cộng đồng; làm cơ sở để triển khai các kế hoạch, hoạt động bảo tồn, phát triển; Về lâu dài, hướng đến hình thành khu Ramsar thế giới.
- Là nơi cứu hộ, chăm sóc, nghiên cứu đa dạng sinh học.
- Trở thành điểm dừng chân trong hành trình di cư của các loài chim.
- Trở thành lá phổi xanh điều hòa khí hậu khu vực.
Nguyên nhân suy giảm đa dạng sinh học và các giải pháp cần tập trung triển khai thực hiện
- Biến đổi khí hậu.
- Lũ lụt.
- Việc xả thải từ các khu công nghiệp.
- Hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con nhân dân.
- Khai thác tận diệt.
Đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, các mô hình cần tập trung thực hiện trong thời gian đến
- Xây dựng kế hoạch tổng thể để quản lý, bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học hệ sinh thái đất ngập nước sông Đầm và có lộ trình thực hiện phù hợp theo hướng quản lý, bảo tồn nhưng phát triển; trong đó cần nghiên cứu các đặc tính, đánh giá tác động, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các loài để xác định đúng mức phạm vi, bố trí hợp lý đối với từng loài, đảm bảo tính cân đối sinh thái. Đối với các loài mới đưa vào cần có nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, nghiêm túc để đảm bảo tính thích nghi cao và tránh các xung đột sinh thái có thể xảy ra; Khai thác hợp lý tạo sinh kế cho nhân dân.
- Xây dựng hồ sơ trình thẩm định, thành lập Khu bảo tồn đất ngập nước cấp tỉnh.
- Từng bước phục hồi cảnh quan và đưa hệ sinh thái sông Đầm về đúng giai đoạn gần với diễn thế sinh thái tự nhiên nhất. Bảo tồn để phát triển, hoạt động khai thác giá trị kinh tế hệ sinh thái, giá trị kinh tế đa dạng sinh học hồ Sông Đầm cần được đảm bảo mang lại lợi ích cho người/tổ chức thực hiện công tác bảo tồn bên cạnh sự hỗ trợ khoa học, cơ chế quản lý và sự đóng góp của tổ chức, cá nhân khác.
- Nghiên cứu xây dựng mô hình canh tác nông nghiệp/thủy sản và khai thác bền vững nhằm hỗ trợ trong việc tạo sinh kế cho người dân, góp phần hạn chế việc săn bắt, tận diệt thủy sản, chim trời; bao gồm nghiên cứu, đề xuất lộ trình, phương pháp, sản lượng đánh bắt phù hợp nhằm duy trì và phát triển các loài thủy sản có giá trị.
- Xây dựng mô hình phát triển du lịch sinh thái dựa vào bảo tồn Đa dạng sinh học (ĐDSH) tại Sông Đầm.
- Xây dựng mô hình đồng quản lý và phục hồi cảnh quan môi trường với sự tham gia của cộng đồng và doanh nghiệp tại Sông Đầm.
- Nghiên cứu đề xuất cơ chế quản lý, phát triển du lịch bền vững, hướng đến hình thành Khu du lịch sinh thái, trải nghiệm dựa vào cộng đồng; tạo sinh kế bền vững cho nhân dân vùng bờ nhất là các làng có truyền thống đánh bắt, sản xuất tại khu vực Sông Đầm.
- Xây dựng Bộ cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học, kinh tế-xã hội vùng Sông Đầm.
- Kế hoạch nâng cao nhận thức, năng lực cộng đồng địa phương: đào tạo, nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sống về các giá trị mà việc bảo tồn đa dạng sinh học mang lại.
- Khẩn trương thực hiện dự án Kênh cắt chuyển dòng nguồn nước xả thải của KCN Tam Thăng vào hồ sông Đầm nhằm giảm thiểu các tác động xấu, làm suy giảm hệ sinh thái, đa dạng sinh học tại khu vực hồ sông Đầm.
- Thường xuyên thực hiện quan trắc môi trường và thực hiện các giải pháp kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường đất, nước, không khí để đảm bảo các điều kiện cho các hệ sinh thái phát triển bền vững.
- Ứng dụng công nghệ thông tin vào phương pháp quản lý, bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học hệ sinh thái đất ngập nước sông Đầm như:
+ Sử dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý vùng đất ngập nước như giám sát đa dạng sinh học các loài, giám sát chất lượng đất, nước, không khí… để có đánh giá toàn diện hiện trạng vùng sông Đầm.
+ Ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị sinh thái cho vùng đất ngập nước sông Đầm.
Một số hình ảnh :


