Du lịch dựa vào đa dạng sinh học tại thành phố Tam Kỳ

Mỗi địa phương không chỉ có bản sắc văn hoá riêng mà còn có hệ sinh thái và đa dạng sinh học đặc trưng. Du lịch dựa vào đa dạng sinh học là loại hình du lịch tập trung vào việc khám phá và trải nghiệm các hệ sinh thái tự nhiên. Hình thức du lịch này nhấn mạnh việc bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và nâng cao nhận thức của du khách về các loài động, thực vật, cũng như các hệ sinh thái đặc trưng của từng khu vực.

Tình hình chung

Ở Quảng Nam, tại Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch Quảng Nam đến năm 2030 ban hành tại Quyết định số 7966/KH-UBND ngày 17/10/2024, UBND tỉnh đã xác định các nội dung quan trọng để phát triển du lịch tỉnh đến năm 2030, trong đó Phát triển sản phẩm du lịch sinh thái kết hợp tham quan, trải nghiệm bản sắc văn hóa cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn gắn với di sản, di tích, lễ hội, làng nghề là một trong những sản phẩm du lịch chính được định hướng phát triển.

Không nằm ngoài xu thế phát triển chung của cả nước, của tỉnh, với các điều kiện tự nhiên thuận lợi, với độ da dạng sinh học cao, việc phát triển các loại hình du lịch dựa vào đa dạng sinh học gắn với các hình thức trải nghiệm tại thành phố Tam Kỳ được quan tâm phát triển. Nghị Quyết Đại hội đảng bộ thành phố lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định “Chú trọng phát triển ngành du lịch, nhất là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch sự kiện trên cơ sở phát huy tốt các lợi thế sẵn có như biển Tam Thanh, Địa đạo Kỳ Anh - bãi sậy Sông Đầm, vườn cừa ven sông Tam Kỳ, Tượng đài Mẹ VNAH. Kết nối với địa phương lân cận để hình thành các tour du lịch hấp dẫn, thu hút du khách”.

Tam Kỳ xác định, Du lịch cùng đa dạng sinh học là Cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội thành phố nói chung, phát triển du lịch thành phố nói riêng, đồng thời đây cũng là trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị về văn hóa, sinh thái của địa phương, hướng đến sự phát triển bền vững cho các thế hệ tương lai.

Hình: trồng cây phục hồi đa dạng sinh học trên sông Bàn Thạch

Một số giải pháp của thành phố Tam Kỳ

Trên cơ sở định hướng đó, trong những năm qua thành phố đã luôn đổi mới cách nghĩ, cách làm, bằng những hành động cụ thể để tranh thủ nguồn lực thực hiện như:

- Tranh thủ, huy động nhiều nguồn lực tài chính khác nhau như: ngân sách nhà nước, các nguồn xã hội hóa, các nguồn viện trợ quốc tế (của Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc – KF, Tổ chức định cư con người liên hợp quốc – Unhabitat…)

- Huy động sự chung tay hỗ trợ của các chuyên gia, các nghệ sĩ, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu…để lên ý tưởng, cụ thể hóa thành những sản phẩm du lịch cụ thể.

- Huy động sự vào cuộc của người dân các địa phương thông qua các hoạt động như: đóng góp công lao động, hiến đất làm đường, hiến đất trồng cây phục hồi hệ sinh thái.

- Tăng cường sự vào cuộc của các ngành chức năng để đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, ra quân, xử lý các hành vi vi phạm, các hành vi tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái

Kết quả đạt được

Nhờ đó, đến nay, Tam Kỳ đã hình thành một số sản phẩm du lịch tiêu biểu cho thành phố và khu vực phía Nam của tỉnh, có thể kể đến như: 

+ Làng du lịch sinh thái Hương Trà gắn với hệ sinh thái đặc trưng vùng sông nước và Quần thể cây sưa – giáng hương ấn đã được công bố là cây di sản Việt Nam. Đây cũng là nơi thành phố Tam Kỳ tổ chức sự kiện thường niên “Lễ hội Tam Kỳ - mùa hoa sưa” vào tháng 4 hằng năm. 

+ “Không gian biển Tam Thanh” gồm: Bãi tắm Hạ Thanh, Làng Nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh, Quảng trường biển. Trong đó tập trung phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, ẩm thực, giải trí; phát triển du lịch sinh thái – văn hóa dựa vào cộng đồng, du lịch trải nghiệm và các dịch vụ du lịch do cộng đồng cung cấp; bên cạnh đó kêu gọi đầu tư hình thành Khu nghỉ dưỡng cao cấp.

+ Đặc biệt là tại Khu vực bãi sậy Sông Đầm, nơi có có mức độ đa dạng sinh học cao với đặc trưng là các loài thủy sản và cây thủy sinh – đang được thành phố xây dựng Dự án Khu bảo tồn đất ngập nước và đa dạng sinh học cấp tỉnh, hướng đến cấp quốc gia gắn với việc thành lập Bảo tàng Đa dạng sinh học khu vực Miền Trung. Các loại hình du lịch ở đây tập trung vào phát triển không gian du lịch sinh thái - văn hóa dựa vào cộng đồng; gắn việc phát huy nghề truyền thống chiếu cói Thạch Tân với trải nghiệm lịch sử chiến tranh tại Địa đạo Kỳ Anh và các dịch vụ du lịch khác.

+ Sản phẩm du lịch “Công trình văn hóa quốc gia Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng” gắn với các dịch vụ văn hóa – thể thao – giải trí trong Khu Công viên trước Tượng đài. 

Định hướng thời gian đến

Du lịch cùng đa dạng sinh học là định hướng đúng đắn, phù hợp với định hướng phát triển của thành phố Tam Kỳ theo hướng sinh thái, thông minh; đảm bảo hài hòa giữa việc phát triển du lịch và bảo vệ, phục hồi môi trường, góp phần nâng cao nhận thức của toàn dân, nâng cao sinh kế cho cộng đồng. Trong thời gian đến, UBND thành phố cam kết giữ vững định hướng tiếp tục bằng những hoạt động cụ thể như:

- Thực hiện tốt công tác quy hoạch thành phố, trong đó trọng tâm là việc thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung của thành phố theo định hướng trở thành thủ phủ xanh

- Tiếp tục kết nối với các tổ chức quốc tế, cơ quan bảo vệ môi trường để huy động nguồn lực, năng lực cần thiết trong việc bảo tồn, phát huy đa dạng sinh học tại địa phương

- Đẩy nhanh tiến độ hồ sơ thành lập Khu bảo tồn đất ngập nước Sông Đầm ở quy mô cấp tỉnh, thành lập Bảo tàng đa dạng sinh học khu vực miền trung. Phấn đấu hoàn thành trong năm 2025.

- Tiếp tục thực hiện công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, cho nhân dân thành phố về vai trò của các hệ sinh thái tại địa phương về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường phục vụ phát triển du lịch.

- Tiếp tục tổ chức các dự kiện, các lễ hội gắn liền với đặc trưng sinh thái để quảng bá hình ảnh du lịch địa phương.

Thường xuyên thực hiện quan trắc môi trường và thực hiện các giải pháp kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường đất, nước, không khí để đảm bảo các điều kiện cho các hệ sinh thái phát triển bền vững. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào phương pháp quản lý, bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học hệ sinh thái đất ngập nước tại địa phương.

Kiến nghị

Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, không thể tự mình phát triển, đặc biệt trong công cuộc công nghiệp hoá hiện nay thì việc phát triển du lịch cùng đa dạng sinh học là một nội dung lớn, khó và cần phải được tập trung thực hiện. Vì vậy bên cạnh sự nỗ lực của thành phố, rất cần sự ủng hộ của tỉnh, sự chung tay của các sở, ban, ngành và địa phương liên quan. Do đó, thành phố Tam Kỳ kính đề đề nghị:

- Tỉnh sớm có những cơ chế đặc thù, các chính sách, nguồn lực hỗ trợ các địa phương để phát triển, hoàn thiện hạ tầng du lịch khu vực phía Nam của tỉnh.

-  Các Sở, Ban, Ngành chức năng liên quan của tỉnh, đặc biệt là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ trong phát triển du lịch thành phố nói chung, du lịch cùng đa dạng sinh học nói riêng.

- Đề nghị các huyện trong khu vực phía Nam của tỉnh quan tâm phối hợp cùng với thành phố Tam Kỳ hình thành các tuyến du lịch, thúc đẩy tính liên kết vùng, tạo chuỗi du lịch theo hướng đến một nơi mà đi được nhiều điểm và xây dựng thương hiệu du lịch chung cho khu vực phía Nam của tỉnh, trong đó ưu tiên phát triển du lịch cùng đa dạng sinh học.

- Đề nghị Cộng đồng doanh nghiệp du lịch quan tâm phối hợp cùng với các huyện trong khu vực phía Nam của tỉnh nói chung và thành phố Tam Kỳ nói riêng nghiên cứu hình thành các sản phẩm du lịch nói chung, du lịch cùng đa dạng sinh học nói riêng thực sự hấp dẫn, độc đáo, khác biệt.

Tin liên quan